Tìm hiểu về chứng ngủ rũ

Ngủ rũ (narcolepsy) là một tình trạng bệnh lý khi não bộ mất kiểm soát việc ngủ - thức khiến người mắc chứng ngủ rũ thường ngủ gà gật suốt ngày, cùng nhiều triệu chứng khác. Đây là một chứng bệnh khá nghiêm trọng và có nhiều tác hại. Tuy nhiên, chứng ngủ rũ lại có thể được điều trị khá tốt bằng nhiều phương pháp.

Ngủ rũ là gì

Ngủ rũ là một loại rối loạn giấc ngủ, gây ra những cơn buồn ngủ bất thình lình vào ban ngày. Người mắc chứng ngủ rũ hầu như không có khả năng kháng cự lại những cơn buồn ngủ mãnh liệt này. Ngủ rũ có thể điều trị được, tuy nhiên, nó cũng có thể gây ra những gián đoạn nghiêm trọng cho cuộc sống của bạn, cũng như ảnh hưởng đến năng lực làm việc và các mối quan hệ xã hội.

Ngủ rũ thường được phát hiện và chẩn đoán ở những người trong độ tuổi từ 5 -50 tuổi. Trong đó, thanh thiếu niên trong độ tuổi trên dưới 20 thường có xu hướng mắc nhiều hơn. Đàn ông và những người được xác định giới tính nam ở thời điểm sinh ra cũng có nguy cơ mắc ngủ rũ cao hơn.

Chứng ngủ rũ không phổ biến trong cộng đồng. Các chuyên gia ước lượng cứ trong 100.000 người thì có từ 25 – 50 người mắc. Tuy nhiên, do chứng ngủ rũ thường phải mất nhiều thời gian để phát hiện và chẩn đoán, nên con số thật sự có thể cao hơn.

Triệu chứng của ngủ rũ là gì

Ngủ rũ có 4 triệu chứng chính, tuy nhiên người mắc có thể không có cùng lúc cả 4 triệu chứng này. Các triệu chứng bao gồm:

  • Rất buồn ngủ vào ban ngày. Đây là triệu chứng xảy ra với tất cả mọi người mắc chứng ngủ rũ. Những cơn buồn ngủ này thường được gọi một cách ví von là họ bị cơn buồn ngủ “tấn công” (sleep attacks).
  • Mất trương lực cơ đột ngột (cataplexy). Đây là triệu chứng khi cơ đột ngột yếu đi, thường là các đợt mất trương lực nhẹ.
  • Ảo giác liên quan đến giấc ngủ, xảy ra ngay sau khi bắt đầu ngủ hoặc ngay trước khi thức dậy.
  • Tê liệt khi ngủ (“bóng đè"). Triệu chứng này xuất hiện khi bạn đã thức dậy, nhưng hoàn toàn không cử động được.

Có hai loại ngủ rũ, được phân loại căn cứ vào việc có hay không có triệu chứng mất trương lực cơ.

  • Ngủ rũ loại 1: có xảy ra hiện tượng mất trương lực cơ. Khoảng 20% người bệnh ngủ rũ là ngủ rũ loại 1.
  • Ngủ rũ loại 2: không xảy ra hiện tương mất trương lực cơ. Hầu hết người bệnh ngủ rũ thuộc loại 2.

Mất trương lực cơ

Mất trương lực cơ là sự đột ngột mất kiểm soát ở các cơ. Có thể hiểu, trong điều kiện bình thường, khi bạn ngủ, não bộ sễ “tắt” cơ chế kiểm soát các cơ trong cơ thể để giữ cho bạn nằm yên, không nhảy múa theo nội dung của giấc mơ. Trong khi đó, người bị mất trương lực cơ sẽ bị mất kiểm soát cơ , làm các cơ bị yếu đi đột ngột khi đang thức, gần tương tự như cách mà cơ thể ngăn chặn các hành động trong giấc ngủ REM.

Mất trương lực cơ ở mức độ nhẹ có thể tác động đến mặt và cổ, kiểu như hàm của bạn bỗng nhiên vô tình rơi xuống mà không kiểm soát được. Mất trương lực cơ nghiêm trọng có thể khiến bạn bất thần đổ nhào xuống đất và có thể dẫn đến chấn thương. Mất trương lực cơ thường diễn ra trong vài phút và bạn có thể không nói hay cử động được trong suốt thời gian đó.

Mất trương lực cơ thường ít xảy ra vì nó thường do một cảm xúc nào đó gây ra. Các cảm xúc tích cực có thể gây ra mất trương lực cơ  nhiều nhất như cười, đùa giỡn, hài hước. Các cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, bất ngờ, giận dữ cũng có thể kích hoạt mất trương lực cơ nhưng ít hơn.

Mất trương lực cơ thường gặp ở trẻ em. Ở người có triệu chứng ngủ rũ, dù không do một nguyên nhân cảm xúc nào nhưng mất trương lực cơ vẫn diễn ra. Chúng thường biểu hiện theo những dạng như: đột nhiên họ không kiểm soát được cơ mặt khiến mặt nhăn nhó, thè lưỡi ra hoặc các cơ đặc biệt là cơ ở tay chân mềm yếu đi khiến cơ thể nhũn ra và đổ sụp.

Tê liệt khi ngủ (“bóng đè")

Như đã biết, não bộ sẽ ngắt kiểm soát các cơ bắp trong lúc ngủ để tránh cho người ngủ hành động theo nội dung giấc mơ. Tình trạng này sẽ chấm dứt khi bạn tỉnh dậy, não bộ sẽ nắm lại quyền điều khiển các cơ giúp bạn vận động như bình thường.

Trong khi đó, cũng tương tự như vậy, nhưng khi bị “bóng đè”, dù bạn đã thức nhưng não vẫn không nắm lại quyền khiển các cơ. Kết quả là bạn vẫn thở, mắt vẫn chuyển động nhưng bạn hoàn toàn bất lực, không thể nói và không cử động được toàn bộ cơ thể, kể cả mở mắt ra cũng không thể.

Các ảo giác cũng thường xuyên xuất hiện trong thời gian bạn bị “bóng đè”. Chúng thường rất sống động và rất đáng sợ. May mắn cho bạn là toàn bộ các hiện tượng này chỉ diễn ra rất ngắn, chỉ trong vài giây đến vài phút đổ lại. Dầu vậy, phần lớn người mắc trong cảm nhận của họ, thường mô tả hiện tượng đáng sợ này diễn ra rất lâu.

Một số triệu chứng thường gặp khác

  • Tự động cử động chân tay trong lúc ngủ.
  • Mất trí nhớ hoặc quên. Họ thường không nhớ mình đã làm gì thời điểm ngay trước khi chìm vào giấc ngủ. 
  • Có một vài cơn bùng nổ trong lúc ngủ như đột nhiên nói về một việc gì đó chẳng liên quan gì đến mọi thứ diễn ra xung quanh. Trong những tình huống như thế, họ có thể thức dậy nhưng họ cũng thường chẳng nhớ gì cả.

Ngủ rũ ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Để hiểu chứng ngủ rũ, chúng ta phải hiểu về một chu kỳ giấc ngủ là như thế nào. Theo đó một chu kỳ giấc ngủ sẽ bao gồm 4 giai đoạn, bao gồm 3 giai đoạn đầu là giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh (NREM) và một giai đoạn sau là giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM).

Các chu kỳ giấc ngủ bình thường trong đêm

Theo đó, giai đoạn 1 của giấc ngủ ( giấc ngủ N1) là khi bạn bắt đầu rơi vào trạng thái ngủ, đây là giấc ngủ nông, chiếm khoảng 5% thời lượng giấc ngủ. Giai đoạn 2 (N2) của giấc ngủ bãn sẽ bắt đầu ngủ sâu hơn, chiếm từ 45-50% thời lượng giấc ngủ.

Giai đoạn 3 (N3) là giai đoạn giấc ngủ sóng chậm, chiếm khoảng 25% thời lượng giấc ngủ. Đây là giai đoạn ngủ sâu nhất và rất khó đánh thức một người đang ngủ trong giai đoạn N3 này. Nếu bị đánh thức trong giai đoạn này, họ sẽ thức dậy trong trạng thái lơ mơ, phản ứng và suy nghĩ chậm chạp. Đây cũng là giai đoạn thường xảy ra các hiện tượng nói mớ hay mộng du.

Giai đoạn 4 là giấc ngủ REM là giai đọan bạn thường gặp những giấc mơ sống động. Nếu quan sát người ngủ trong giai đoạn này bạn sẽ thấy đôi mắt họ chuyển động rất nhanh và liên tục.  Đó là lý do vì sao giấc ngủ này có tên là giấc ngủ chuyển động mắt nhanh.

Với một giấc ngủ bình thường, bạn sẹ tuần tự đi từ giai đoạn N1 đến N3 và cuối cùng đi vào giấc ngủ REM. Sau giấc ngủ REM đầu tiên, bạn đã kết thúc một chu kỳ ngủ 4 giai đoạn và bắt đầu quay trở ngược lại giai đoạn N1, N2 để bắt đầu một chu kỳ giấc ngủ mới. Mỗi chu kỳ giấc ngủ này thường kéo dài khoảng 90 -120 phút. Nếu một người ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm, họ sẽ lặp lại 4-5 chu kỳ như thế[BK1] .

Giấc ngủ bình thường và ngủ rũ. (Nguồn: Learn About Narcolepsy – Somn)

Khi mắc chứng ngủ rũ, bạn sẽ không đi theo một chu kỳ tuần tự như thế mà sau khi rơi vào giấc ngủ, bạn sẽ đi thẳng vào giấc ngủ REM. Từ đó về sau bạn sẽ chỉ ngủ được những giấc ngắn và cũng không đi theo tuần tự của một chu kỳ giấc ngủ. Như đã biết, thiếu giấc ngủ N3, dù bạn có ngủ rất nhiều vẫn sẽ cảm thấy không khỏe. Các chuyên gia cho rằng, giấc ngủ sâu N3  có vai trò rất quan trọng để phục hồi cơ thể, củng cố trí nhớ và phát triển tư duy sáng tạo.

Do đó, với chứng ngủ rũ, dù bạn có ngủ bao nhiêu đi nữa bạn vẫn sẽ thấy cực kỳ mệt mỏi vào ban ngày với những cơn buồn ngủ ập đến bất chợt và không cưỡng lại được. Nhưng những giấc ngủ ngắn này thường chỉ kéo dài từ 15 – 30 phút. Sau khi thức giấc, bạn sẽ thấy khỏe trở lại va bắt đầu tiếp công việc đang làm dang dở. Tuy nhiên, những giấc ngủ này kéo đến vào lần trong ngày, tạo ra hàng loạt gián đoạn không mong muốn trong đời sống và công việc của bạn.

Nguồn tham khảo

Narcolepsy: What It Is, Causes, Symptoms & Treatment (clevelandclinic.org)

Narcolepsy: Causes, Symptoms, Treatments (sleepfoundation.org)

 

Cùng thể loại

Rối loạn vận động chân tay định kỳ khi ngủ

Rối loạn vận động chân tay định kỳ khi ngủ là một dạng rối loạn vận động trong đó chân và tay thường xuyên chuyển động theo chu kỳ lặp đi lặp lại trong lúc ngủ. Những lần chuyển động chân tay này làm bạn thức giấc, gián đoạn giấc ngủ. Tình trạng này còn được gọi bằng tên gọi khác là hội chứng co giật cơ liên quan đến giấc ngủ.

Mất ngủ: chịu đựng hay điều trị?

Mặc dù không quá nguy hiểm, nhưng bệnh mất ngủ mang lại một số tác động tiêu cực lên sức khỏe, cuộc sống và công việc của bạn. Thay vì cứ chịu đựng đêm này qua đêm khác, có nhiều cách hiệu quả để bạn có thể điều trị, cải thiện và vượt qua.

Bạn hiểu như thế nào về mất ngủ?

Mỗi người có một nhu cầu ngủ khác nhau nên hầu như khó xác định chính xác mức độ không ngủ được như thế nào thì được xem là mất ngủ. Tuy nhiên, đặc điểm cốt lõi của bệnh mất ngủ (insomnia) là nó khiến người mắc không ngủ được như mong muốn đến mức phải khó chịu, đau khổ, mệt mỏi cũng như mang đến các tác động tiêu cực khác cho sức khỏe.

Điều trị ngủ rũ như thế nào?

Ngủ rũ có thể điều trị được nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn. Việc điều trị ngủ rũ có thể bắt đầu bằng cách dùng một số loại thuốc và kết hợp thay đổi một số thói quen hàng ngày cũng như lối sống có thể góp phần hỗ trợ điều trị. Nhìn chung, việc điều trị ngủ rũ có thể mang lại kết qua khả quan, qua đó hạn chế một số triệu chứng cũng như các bất tiện của bệnh trong cuộc sống.

Ngủ rũ: nguyên nhân và chẩn đoán.

Nguyên nhân gây ra ngủ rũ thường tùy thuộc vào chứng ngủ rũ mắc phải. Tuy nhiên, dù là loại nào đi nữa thì ngủ rũ cũng có liên quan đến vùng hạ đồi (Hypothalamus), một khu vực trong não có chức năng kiểm soát giờ giấc ngủ thức.

Rối loạn giấc ngủ làm việc theo ca

Chỉ với một đêm mất ngủ, chúng ta đã rất mệt mỏi và đờ đẫn. Với những người phải làm việc theo ca, thường xuyên phải thức đêm và ngủ ngày, làm thế nào để họ có thể vượt qua và bảo vệ sức khỏe của mình?