Điều trị ngủ rũ như thế nào?

Ngủ rũ có thể điều trị được nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn. Việc điều trị ngủ rũ có thể bắt đầu bằng cách dùng một số loại thuốc và kết hợp thay đổi một số thói quen hàng ngày cũng như lối sống có thể góp phần hỗ trợ điều trị. Nhìn chung, việc điều trị ngủ rũ có thể mang lại kết qua khả quan, qua đó hạn chế một số triệu chứng cũng như các bất tiện của bệnh trong cuộc sống.

Các loại thuốc dùng điều trị ngủ rũ là gì?

Sử dụng thuốc là phương pháp chủ yếu để điều trị chứng ngủ rũ. Phần lớn các loại thuốc nhắm đến giải quyết triệu chứng buồn ngủ quá mức vào ban ngày, bên cạnh đó một số loại thuốc khác nhắm đến giải quyết các triệu chứng còn lại.

  • Thuốc giúp tỉnh táo. Những loại thuốc này thường được sử dụng bước đầu trong quá trình điều trị. Có thể kể đến như Modafinil và Armodafinil giúp kích thích hệ thần kinh, chống lại những cơn buồn ngủ ban ngày quá mức.
  • Amphetamines và những dược chất kích thích tương tự amphetamine. Các loại thuốc như methylphenidate (tên thương mại bao gồm Ritalin®, Concerta® hoặc Quillivant®) hoặc thuốc kết hợp amphetamine/dextroamphetamine (tên thương mại là Adderall®).
  • Thuốc chống trầm cảm. Các loại thuốc như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRI) như venlafaxine (tên thương mại là Effexor®), thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) như fluoxetine (tên thương mại Prozac®) hoặc thuốc chống trầm cảm ba vòng như clomipramine hoặc protriptyline (nhưng những loại này ít phổ biến hơn).
  • Natri oxybate. Thuốc giúp người bệnh dễ ngủ và giảm số lần mất trương lực cơ xảy ra. Hầu hết các quốc gia đều kiểm soát khá chặt chẽ loại thuốc này vì các tác dụng phụ của chúng.
  • Thuốc kháng histamine. Cụ thể như thuốc pitolisant, một chất đối kháng thụ thể histamine. Chất đối kháng thụ thể là các thuốc ngăn chặn một loại hóa chất nào đó gắn kết với tế bào, làm chậm hoặc ức chế một hoạt động của tế bào.

 

Các tác dụng phụ, biến chứng trong quá trình điều trị

Một số loại thuốc điều trị ngủ rũ hoặc điều trị triệu chứng của ngủ rũ có thể tương tác với một số loại thuốc khác. Huyết áp cao và nhịp tim không đều là 2 biến chứng có thể xảy ra khi điều trị bằng các loại thuốc kích thích. Natri oxybate đặc biệt nguy hiểm khi dùng chung với thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương. Người dùng cũng không nên uống thức uống có cồn khi sử dụng thuốc này.

Nếu có nghi ngờ mắc chứng ngủ rũ, bạn không nên tự chẩn đoán hoặc tự điều trị. Các triệu chứng của chứng ngủ rũ có thể gần giống với các chứng ngưng thở khi ngủ hoặc động kinh. Chứng ngủ rũ cũng khá nguy hiểm đối với những hoạt động như lái xe hoặc bơi lội. Bạn nên tìm đến các chuyên gia hoặc các cơ sở y tế phù hợp để được tư vấn điều trị.

Tiên lượng

Phần lớn các trường hợp ngủ rũ diễn ra bất ngờ, không thể dự báo được. Do vậy, ngăn ngừa ngủ rũ hầu như là không thể.

Nhìn chung, tự bản thân chứng ngủ rũ không quá nguy hiểm. Tuy nhiên việc cứ thường xuyên bất ngờ buồn ngủ không cưỡng lại được vào ban ngày sẽ gây ra hàng tá rắc rối cho người mắc, từ việc học hành cho đến việc làm và cuộc sống. Người mắc chứng này có thể sẽ gặp nguy hiểm khi tham gia một số hoạt động như lái xe, bơi lội, khi sử dụng các dụng cụ điện hay các công cụ nặng và một số tình huống khác.

Ngủ rũ loại 1 có thể đi kèm với nguy cơ chấn thương do té ngã khi bị mất trương lực cơ đột ngột và nghiêm trọng.

Chứng ngủ rũ một khi đã mắc thì sẽ theo suốt đời, tuy nhiên may mắn là bệnh sẽ không trầm trọng thêm theo thời gian.

Ngủ rũ ở trẻ em

Trẻ em mắc chứng ngủ rũ thường gặp nhiều khó khăn trong việc học hành ở trường, ảnh hưởng đến khả năng tập trung, khả năng duy trì các mối quan hệ xã hội, khả năng tham gia vào các hoạt động trong và ngoài nhà trường.

Tại Hoa kỳ, chứng ngủ rũ được xem là một tình trạng bệnh lý, do vậy trẻ em mắc chứng này sẽ có một sự bảo vệ về mặt pháp lý, qua đó cho phép điều chỉnh lịch học, xắp xếp giờ giấc ngủ trưa, thời gian nghỉ ngơi và uống thuốc tại trường  phù hợp với nhu cầu của trẻ.

Ngủ rũ ở người lớn

Cũng tại Hoa Kỳ, đạo luật người khuyết tật nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử với những người mắc một số tình trạng bệnh lý, trong đó có chứng ngủ rũ. Sự bảo vệ về mặt pháp lý này cũng đồng thời tại điều kiện cho người mắc ngủ rũ có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về những điều kiện làm việc sao cho phù hợp với tình trạng bệnh lý đặc thù của mình.

Ngủ rũ nguy hiểm khi thực hiện các hoạt động như lái xe hay bơi lội.

Sống chung với chứng ngủ rũ như thế nào?

Dù không điều trị dứt điểm với chứng chứng ngủ rũ, tuy nhiên người mắc cũng có thể quản lý và sống chung với chúng thông qua nhiều cách thức như vệ sinh giấc ngủ hoặc điều chỉnh thời gian giờ giấc và thói quen sinh hoạt cho phù hợp. Những cách thức này bao gồm:

  • Hãy kiên trì với một thói quen ngủ hợp lý. Theo thời gian, việc đi ngủ đúng giờ đều đặn có thể cải thiện giấc ngủ của bạn.
  • Dành nhiều thời gian để ngủ đủ giấc phù hợp với lứa tuổi. Dành một khoảng thời gian hợp lý để thư giãn trước khi đi ngủ.
  • Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng hay các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ.
  • Tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá, caffeine, hoặc ăn quá no trước khi đi ngủ. Một số loại thuốc điều trị có thể phản ứng với chất có cồn. Trong khi đó, các chuyên gia cũng khuyên bạn nên bỏ hẳn thuốc lá, cả thuốc lá điện tử lẫn thuốc lá truyền thống.
  • Vận động, tập luyện thể chất thường xuyên giúp giấc ngủ tốt hơn. Tuy nhiên, đừng tập quá nặng trước giờ đi ngủ.
  • Tranh thủ chợp mắt. Với người mắc chứng ngủ rũ, họ sẽ cảm thấy tinh thần tốt hơn sau khi ngủ những giấc ngắn. Do vậy, hãy tính toán xem những khoảng thời gian nào trong ngày cảm thấy buồn ngủ nhất và xắp xếp thời gian và công việc hợp lý để chợp mắt trong những thời điểm này.
  • Khi lái xe, nếu cảm thấy triệu chứng ngủ rũ đang kéo đến thì nên dứt khoát dừng xe lại hoàn toàn. Khi đang ở trong môi trường nước như bơi lội, đi trên tàu bè hãy nhớ mặc sẵn phao cứu sinh để tránh hậu quả đáng tiếc khi cơn buồn ngủ bất thình lình ập tới.

Khi nào thì cần phải đế cơ sở y tế ?

Bất ngờ buồn ngủ mà không có lý do là dấu hiệu quan trọng mà bạn nên lưu tâm để đi khám bệnh. Đây có thể là triệu chứng của nhiều tình trạng bệnh lý nghiệm trọng khác chứ không phải chỉ riêng của chứng ngủ rũ. Nhiều loại bệnh lý trong số này càng để lâu càng nhiều biến chứng và điều trị kém hiệu quả.

Bạn cần đến bệnh viện hoặc cơ sở cấp cứu nếu bạn bị bất tỉnh hoặc bị ngất, đổ sụp người xuống đất. Đây là triệu chứng của nhiều loại bệnh lý nguy hiểm như đau tim, đột quỵ, nhịp tim không đều và cần được cấp cứu kịp thời.

Bạn cần được chăm sóc y tế nếu có thể bị chấn thương ở đầu, cổ, lưng, cột sống. Bạn cũng cần được can thiệp nếu bị ngã và đang dùng một loại thuốc làm loãng máu nào đó. Ngã và chấn thương có thể dẫn đến xuất huyết trong với các biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong.

Nguồn tham khảo

Narcolepsy: What It Is, Causes, Symptoms & Treatment (clevelandclinic.org)

Cùng thể loại

Rối loạn vận động chân tay định kỳ khi ngủ

Rối loạn vận động chân tay định kỳ khi ngủ là một dạng rối loạn vận động trong đó chân và tay thường xuyên chuyển động theo chu kỳ lặp đi lặp lại trong lúc ngủ. Những lần chuyển động chân tay này làm bạn thức giấc, gián đoạn giấc ngủ. Tình trạng này còn được gọi bằng tên gọi khác là hội chứng co giật cơ liên quan đến giấc ngủ.

Mất ngủ: chịu đựng hay điều trị?

Mặc dù không quá nguy hiểm, nhưng bệnh mất ngủ mang lại một số tác động tiêu cực lên sức khỏe, cuộc sống và công việc của bạn. Thay vì cứ chịu đựng đêm này qua đêm khác, có nhiều cách hiệu quả để bạn có thể điều trị, cải thiện và vượt qua.

Bạn hiểu như thế nào về mất ngủ?

Mỗi người có một nhu cầu ngủ khác nhau nên hầu như khó xác định chính xác mức độ không ngủ được như thế nào thì được xem là mất ngủ. Tuy nhiên, đặc điểm cốt lõi của bệnh mất ngủ (insomnia) là nó khiến người mắc không ngủ được như mong muốn đến mức phải khó chịu, đau khổ, mệt mỏi cũng như mang đến các tác động tiêu cực khác cho sức khỏe.

Ngủ rũ: nguyên nhân và chẩn đoán.

Nguyên nhân gây ra ngủ rũ thường tùy thuộc vào chứng ngủ rũ mắc phải. Tuy nhiên, dù là loại nào đi nữa thì ngủ rũ cũng có liên quan đến vùng hạ đồi (Hypothalamus), một khu vực trong não có chức năng kiểm soát giờ giấc ngủ thức.

Tìm hiểu về chứng ngủ rũ

Ngủ rũ (narcolepsy) là một tình trạng bệnh lý khi não bộ mất kiểm soát việc ngủ - thức khiến người mắc chứng ngủ rũ thường ngủ gà gật suốt ngày, cùng nhiều triệu chứng khác. Đây là một chứng bệnh khá nghiêm trọng và có nhiều tác hại. Tuy nhiên, chứng ngủ rũ lại có thể được điều trị khá tốt bằng nhiều phương pháp.

Rối loạn giấc ngủ làm việc theo ca

Chỉ với một đêm mất ngủ, chúng ta đã rất mệt mỏi và đờ đẫn. Với những người phải làm việc theo ca, thường xuyên phải thức đêm và ngủ ngày, làm thế nào để họ có thể vượt qua và bảo vệ sức khỏe của mình?